Quy hoạch phát triển ngành cơ khí Việt Nam
Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới 2020. Theo đó, thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp thuộc chương trình Cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư, phấn đấu đến năm 2010, ngành cơ khí đáp ứng được 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí cả nước. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, thị trường sản phẩm cơ khí nông nghiệp trong nước dường như vẫn còn đang im ắng. Cơ khí nông nghiệp chưa theo kịp yêu cầu Ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối cho biết, hiện nhu cầu về mua máy móc, sản phẩm cơ khí, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp của nông dân là rất cao. Đó là các loại máy kéo, mày bừa, đặc biệt là máy gặt đập liên hợp. Theo số liệu thống kê, hiện nay trên cả nước có khoảng 1.300 doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh các loại máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị cơ khí phục vụ nông nghiệp; 1.218 cơ sở chuyên sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành máy móc, thiết bị cơ khí nhưng hầu như vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước. Hầu hết những loại máy này chúng ta tìm thấy trên thị trường đều là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, hoặc là hàng cũ của nước ngoài chuyển vào, còn máy móc của Việt Nam sản xuất ra rất ít. Kể cả những chiếc máy được bày bán trên thị trường cũng thường bộc lộ nhiều nhược điểm hơn máy móc nhập khẩu như công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu, giá cả đắt đỏ hơn. Vấn đề này đã được bộc lộ rõ trong thời gian qua khi Thủ tướng Chính phủ ra Nghị quyết 149 hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy móc thiết bị nông nghiệp. Theo Nghị quyết 149, người nông dân chỉ được hỗ trợ lãi suất khi mua máy móc được sản xuất trong nước, thế nhưng thực tế là máy móc nông nghiệp của Việt Nam lại quá ít, lạc hậu và giá cả đắt đỏ hơn so với hàng Trung Quốc, nên người nông dân có tìm đỏ mắt cũng khó mà mua được hàng Việt Nam để nhận hỗ trợ. Máy móc phục vụ nông nghiệp của chúng ta hiện nay còn rất nghèo nàn về chủng loại, lạc hậu về công nghệ. Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho công tác nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp nhưng tỷ lệ các kết quả nghiên cứu khoa học được áp dụng vào thực tiễn là không quá 10% một năm. Trong khi người dân thì có nhu cầu nhưng thị trường trong nước lại không đáp ứng được nên đã tạo ra khoảng trống cho hàng nước ngoài đặc biệt là hàng Trung Quốc tràn vào nhiều. Doanh nghiệp còn thờ ơ Hiện nay nhu cầu về máy móc phục vụ nông nghiệp thay thế sức lao động thủ công là một thực tế hiển nhiên, nhưng dường như thị trường cơ khí nông nghiệp trong nước vẫn chưa thu hút được sự quan tâm thích đáng. Ông Hòa cho biết, các nhà sản xuất cơ khí Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này vì sản xuất máy nông nghiệp chưa đem lại cho họ lợi nhuận cao hơn so với các lĩnh vực khác như sản xuất ô tô, xe máy… Có một thực tế đáng buồn là, trong Chương trình cơ khí trọng điểm cấp Nhà nước có nêu một vài hạng mục phục vụ nông nghiệp như chế tạo máy diezen công suất lớn, chế tạo máy kéo, máy nông nghiệp… mặc dù đã được Nhà nước ưu đãi nhưng vẫn không có đơn vị nào đứng ra nhận làm. Để đầu tư vào sản xuất nông cụ thì phải trải qua rất nhiều giai đoạn mới có thể cho ra một cái máy hoàn chỉnh, đem sản xuất đại trà. Thời gian hoàn vốn cũng lâu hơn. Đầu tư vào lĩnh vực này cũng không phải dễ, trong khi ngành sản xuất ô tô đem lại siêu lợi nhuận hơn mà lại không quá khó khăn. Thêm vào đó, chúng ta còn thiếu sự liên kết, gắn bó chặt chẽ giữa các nhà khoa học với các nhà sản xuất máy móc nông nghiệp. Để giải quyết được tình trạng trên, chúng ta cần phải có giải pháp gắn kết được nhà khoa học với nhà sản xuất cơ khí nông nghiệp. Chỉ có các doanh nghiệp mới nắm bắt được nhu cầu của người nông dân, nắm bắt được thị trường đang cần cái gì, đang đòi hỏi cái gì để từ đó chính họ sẽ là người đặt hàng cho các nhà khoa học nghiên cứu. Có như vậy, thị trường cơ khí nông nghiệp của chúng ta mới thực sự vận hành trôi chảy và có hiệu quả.
Bình luận
Viết bình luận